Hãy cứu lấy thế giới bằng những hành động nhỏ nhất của chúng ta! Vì tương lai của chính chúng ta! ----------------------------------
Hãy tắt điện từ 20h30 - 21g00 ngày 27/3, hành động Xanh của bạn hưởng ứng Giờ Trái đất!
Soạn BUY RV "Nội dung tin nhắn kết bạn, rao vặt" gửi 8785 (15000đ - trong ngày)
Loading...

Tuesday, May 24, 2011

Học bơi trên cạn

Gần 40 tuổi, từng co rúm người mỗi khi xuống nước, nhưng năm ngoái chị Loan (Khánh Hòa) đã biết bơi và còn dạy cho cô con gái 9 tuổi hoàn toàn tự tin dưới nước. 'Ông thày giỏi' của chị là một trang mạng.

Chị Đào Thị Thái Loan (Nha Trang, Khánh Hòa) kể, hè năm ngoái, chị được cậu con trai đầu (14 tuổi) chỉ cho xem một trang dạy bơi mà cháu rất thích. Tò mò, chị vào xem thử và thấy hay, lại không tốn tiền, nên đã đăng ký được nhận các bài học bơi qua mail. Ở nhà, mỗi ngày chị tự tập theo những hướng dẫn này, khi đã thành thục thì nhờ ông xã đưa ra bể thực hành.

Clip: Bơi trườn sấp trên cạn
Ảnh: Các bé tập bơi trên cạn

Vui mừng vì không ngờ mình bơi được sau vài buổi, dù vốn là người rất nhát nước, chị tiếp tục hướng dẫn cô con gái tập bơi theo những gì mình đã học.

"Trong vòng chưa đầy một tháng, cả hai mẹ con không những biết bơi mà còn bơi giỏi và đẹp nữa (theo bố nhận xét). Thừa thắng xông lên, mình còn 'đào tạo' bơi cho hai cô bạn và một cháu trai nữa", chị Loan vui vẻ chia sẻ.

Ảnh: TS.
Sau khi học bơi thành công nhờ các tài liệu nhận được từ Eboi.vn, anh Lê Thanh Sơn, Hà Nội đã áp dụng những bài học này để dạy con. Hiện cô con gái 5 tuổi của anh (ảnh) đã bơi tốt. Ảnh: TS.

Rất thích xuống nước vùng vẫy hay đi biển, từng theo nhiều thầy dạy bơi nhưng Hồng Ngọc, 19 tuổi, ở Bình Trị Đông, Bình Tân, TP HCM chỉ thực sự biết bơi sau "khóa học" đặc biệt bằng mail.

Ngọc cho biết, năm ngoái, cô đi học bơi tại bể, được thầy cho đeo phao nhưng liên tục bị chúi đầu xuống, uống no nước. Đã vậy, lại luôn bị thày mắng, bắt thực hiện những động tác giống thày dưới nước, nên Ngọc cuống, dần thấy sợ và bỏ dở việc học. Cũng trong thời gian ấy, tình cờ biết có trang dạy bơi qua mạng, Ngọc đăng ký, nhận tài liệu rồi tự tập thở, tự thả nổi... ở nhà. Khi đã khá tự tin, cô gái trẻ mới quay lại bể, nhờ người hướng dẫn thêm. "Giờ mình có thể bơi ếch và bơi sải thành thạo rồi", Ngọc khoe.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-boi (một trung tâm dạy bơi miễn phí tại Hà Nội), cho biết, trong năm ngoái, đã có hơn 1500 người từ các tỉnh, thành, thậm chí cả người Việt sống tại nước ngoài, đăng ký học bơi qua mail ở trang eboi.vn

Khi nhắc tới học bơi bằng thư điện tử, nhiều người tỏ vẻ nghi ngại vì cho rằng việc này không khả thi bởi nhiều người được học dưới nước hẳn hoi, được hướng dẫn một thầy một trò còn khó, thậm chí không bơi được. Thế nhưng, theo phản hồi của các học viên E-Boi thì kết quả đạt được rất khả quan. Qua vài buổi học, nhiều người đã biết cách thở dưới nước, hết sợ sặc nước, biết cách thả nổi, đạp chân, quạt tay... Có bạn đã bơi được chặng dài, biết các kỹ thuật bơi ếch, bơi sải. Một số phụ huynh sau khi biết bơi qua mail còn dạy thành công cho con kỹ năng này.

Theo ông Tuấn, nhiều người học bơi mãi vẫn không bơi được là do họ chưa hiểu biết về khả năng bơi lội, khả năng phòng chống chết đuối bẩm sinh của cơ thể (chưa biết mình), chưa hiểu tính chất của môi trường nước (chưa biết nước), chưa biết cách cử động chân tay (chưa hiểu bản chất động tác bơi lội).

"Khi học bơi dưới nước, họ được thày hướng dẫn động tác, nhưng vì không hiểu tại sao phải làm vậy, đầu óc lại phân tâm, lo chìm, lo sặc nên khó làm đúng. Ngoài ra, việc phải học đồng thời một loạt các kỹ thuật thở, nổi, chuyển động sẽ khá khó với nhiều người nếu không hiểu bản chất", ông Tuấn giải thích.

Còn E-Bơi, ngay ở trên cạn đã giúp các học viên biết mình, biết nước, biết bản chất của việc bơi lội. Người học sẽ được hướng dẫn cách nín thở giữ cho khỏi bị sặc nước nếu chẳng may tai nạn xảy ra, biết phổi mình sẽ là cái phao cứu sinh hữu hiệu, biết rằng nước không dìm người xuống mà đẩy nổi lên sát bề mặt theo định luật Archimedes, biết rằng chân tay có thể là mái chèo quạt nước nhô lên thở hoặc bơi đi... Tất cả những cái đó, giúp cho người học yên tâm, bình tĩnh không sợ nước.

Ngoài ra, E-Bơi chia kỹ thuật bơi lội thành từng phần nhỏ để tập luyện rồi gắp ghép từng phần, toàn bộ chúng đến độ “nhuyễn” ngay trên cạn, lúc đó người học mới xuống nước. Nếu học kỹ trên cạn, người ta có thể bơi được ngay lần đầu tiên xuống nước. Khi đầu óc có thể kiểm soát được hành vi cơ thể thì bơi chỉ là chuyện nhỏ.

Với cách tiếp cận này, người mới tập cần học kỹ trên cạn để có thể thực hiện động tác không chỉ bằng cơ bắp mà còn có thể cả bằng tư duy. "Đừng nóng vội xuống nước học bơi khi chưa nắm được cách kiểm soát và sử dụng tay chân, cơ thể", ông Tuấn bày tỏ.

Ông cũng khẳng định bơi lội không khó, không đòi hỏi năng khiếu đặc biệt. "Cái khó là bạn phải tự vượt qua chính mình ngay cả trong suy nghĩ".

E-Bơi có nhiều ưu điểm, nhưng không phải là cách học bơi vạn năng, thích hợp với tất cả mọi người.

Chị Đàm Thị Quý, 33 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội sau khi đọc những tin tức về trẻ chết đuối, đã quyết tâm học bơi để dạy cho các con. Sau khi hào hứng và chăm chỉ luyện tập bước đầu tiên, là tập thở, chị đã thấy sợ nước và không thể tiếp tục. "Thôi, đành chấp nhận cả đời này không biết bơi vậy, còn các con, chắc phải nhờ người khác dạy", chị Quý nói.

Theo ông Tuấn, điều này cũng dễ hiểu, bởi có những người sợ nước một cách bệnh lý, cứ xuống nước hoặc đứng trước một khối nước lớn (sống, biển... ) là tim mạch rối loạn, huyết áp tụt, người váng vất hơn say tàu, say xe... Muốn học bơi, những người này cần được chữa khỏi bệnh sợ nước bằng những liệu pháp đặc biệt (vật lý, hoá học...).

Đối với những người không sợ nước, đã học bơi qua thư điện tử với E-Bơi mà vẫn không biết bơi, đó là do họ học và luyện tập không trình tự, không đầu tư đủ tâm trí và thời gian.

Những học viên đăng ký qua mail, sẽ lần lượt được nhận các tài liệu hướng dẫn học bơi, theo 5 mức:

- Mức 1: Giải thích tại sao bơi lội lại khó với nhiều người, và đề ra cách chữa trị bệnh khó học bơi.

- Mức 2: Tập thở - kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của bơi lội.

- Mức 3: Tập thả nổi.

- Mức 4: Tập bơi chìm đầu (Lặn).

- Mức 5: Tập bơi ếch cơ bản.

Trong quá trình học, nếu có khó khăn, thắc mắc gì, người học sẽ được E-Bơi tư vấn, giải đáp qua mail, di động, web.

Minh Thùy - VnExpress

Chi tiết

Không biết bơi vẫn có thể thoát chết đuối

Người bơi giỏi vẫn có thể bị đuối nước, trong khi người không biết bơi có thể thoát khỏi cửa tử của thủy thần? Đó là nhờ học bơi và ứng xử bằng trí khôn.

Thống kê năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy tỷ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì lý do này, chủ yếu ở độ tuổi 7-15.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy tỷ suất đuối nước ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, hơn một nửa số trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn thành thị.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội cho biết, khi một người bị chất dịch (thường là nước) tràn vào mũi miệng làm cho không thở được thì sẽ bị đuối nước. Đuối nước lâu, não thiếu oxy, người sẽ bị chết ngạt. Như vậy, chết đuối là do nước sặc vào đường hô hấp gây phản ứng co thắt dẫn tới ngạt thở, gây tử vong.

Theo ông Tuấn, người ta vẫn nghĩ chết đuối là do không biết bơi. Nếu không muốn chết đuối, phải xuống nước học một kiểu bơi nào đó, ví dụ bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa... Thực tế, nhiều người, kể cả biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vì chủ quan, hoặc chuột rút, hay mắc sẵn các bệnh nào đó... vẫn có thể bị đuối nước; và lại có cả trẻ em chết đuối ở những nơi nước nông không bơi được như ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà.

Ảnh: Minh Thùy.
Biết các kỹ thuật phòng chống chết đuối sẽ giúp cả người lớn và trẻ nhỏ yên tâm hơn mỗi khi ở môi trường sông nước. Ảnh: Minh Thùy.

Hơn nữa, khi dân số ngày càng tăng, điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho việc học bơi còn thiếu, khi an toàn giao thông đường thuỷ chưa đảm bảo, hàng năm vẫn sẽ có nhiều người chết đuối, nhất là trẻ em.

Vì vậy, theo ông Tuấn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống chết đuối với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần một cách khác để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Và đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.

Ông Tuấn cho biết, kỹ thuật “Bơi tự cứu” rất đơn giản, không tốn kém, ai cũng có thể tập dượt trước cả trong tư duy lẫn thực hành để sử dụng khi chẳng may bị rơi xuống nước.

Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:

- Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

- Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

- Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

- Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

Theo ông Tuấn, với cách này, người ta có thể tồn tại dưới nước khá lâu, chờ người đến cứu, hoặc lợi dụng dòng chảy để chuyển vào chỗ nông hơn. Và tất cả những bước trên đều có thể luyện tập dần dần trên cạn và có thể giáo dục cho trẻ từ khi còn ở trường mầm non.

Nhìn nhận về kỹ thuật bơi tự cứu trong việc phòng chống đuối nước, nhất là cho trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho biết, đây là một cách đi đúng, và cần phối hợp song song giữa luyện tập trên cạn và dưới nước.

Ông An cho biết, những năm qua, giảm số trẻ bị đuối nưới luôn là một trong những mục tiêu cấp thiết ở nước ta. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã vào cuộc giúp đỡ chúng ta thực hiện mục tiêu này, song, hiện trạng trẻ đuối nước cao vẫn chưa được khắc phục.

Thực tế, Bộ giáo dục đào tạo cũng đã phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, song vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể, mà nguyên do chính vẫn là thiếu bể bơi, thiếu người dạy bơi.

Ông An cho rằng, thực ra, một trong những vấn đề cản trở nằm ở chỗ nhiều người quá cầu toàn trong việc dạy bơi cho trẻ: phải có bể bơi đạt tiêu chuẩn, nước phải đảm bảo chất lượng...

"Nếu muốn cơ sở vật chất thật tốt mới học bơi, dạy bơi thì quá khó với một nước nghèo như chúng ta. Trong khi, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc này bằng những cách đơn giản hơn, như học bơi trên cạn, học bơi bằng những bể đơn giản, giá rẻ có giá đỡ, có thể xả nước vào, sử dụng trong 5 năm như đã làm mô hình thí điểm ở Đà Nẵng, hoặc sử dụng lồng bơi có thể mang đi mang lại như ở đồng bằng sông Cửu Long", ông An nói.

Ông cho rằng, tại thời điểm này, giúp trẻ biết bơi, có kiến thức phòng chống chết đuối, quan trọng hơn việc quan tâm xem bể bơi thế nào tốt, chất lượng nước phải thế nào mới cho con đến...

Thơ phòng chống chết đuối của Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội

Để phòng chết đuối bạn ơi,
E-Bơi xin dặn mấy lời sau đây:

Đừng lên đò chở quá đầy!
Đừng đi bơi lội giữa ngày bão giông!
Trẻ nhỏ bơi, người lớn trông,
Ao, chuôm rào kín thì không việc gì.
Suối, hồ, sông biển … hiểm nguy,
Học sinh, trẻ nhỏ chớ đi một mình.
Mặt nước bằng phẳng, lặng thinh,
Nhưng bao tai họa đang rình đợi ta.
Hố sâu, đất sụp, bùn sa…
Gặp nơi như thế, sẽ là nguy thôi.

Ăn no đừng tắm bạn ơi,
Dạ dày nó “kiện”, “chuột” thời “rút” gân.
Tập bơi nên chọn chỗ gần,
Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to.
“Qua sông thì phải luỵ đò”,
Áo phao nên mặc để cho an toàn.
Thi bơi, nhảy cắm, đùa càn,
Nơi nước sâu, xiết xin ngàn lần không.

Thấy người gặp nạn nơi sông,
Nếu không bơi giỏi thì không nên liều.
Nhanh chân, nhanh miệng ta kêu,
Gọi người đến cứu là điều khôn ngoan.
Vui chơi nhưng phải an toàn,
Không nhảy xuống nước khi toàn mồ hôi.

Minh Thùy - VnExpress

Chi tiết
 

Blog Môi trường Xanh 2014 Copyright © 2012 Blog Moi Truong is Designed by Blog môi trường Sponsored by Blog Moi Truong