Diện tích của đảo rác lớn nhất thế giới trên Thái Bình Dương ngày càng tăng. Ảnh: oprah.com. |
Eastern Garbage Patch là tên quốc tế của một đảo nổi khổng lồ được tạo nên bởi đồ nhựa phế thải ở phía bắc Thái Bình Dương. Telegraph cho biết, những dòng hải lưu trên đại dương đã "tập kết" rác từ khắp nơi để tạo nên đảo nổi này. Diện tích của nó dao động từ 700 nghìn tới 15 triệu km vuông. Giới khoa học ước tính bãi rác Thái Bình Dương có thể chứa tới hơn 100 triệu tấn rác. Một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc khẳng định đảo rác đang phình to với tốc độ đáng báo động.
Nhựa - loại vật liệu có thể tồn tại suốt hàng nghìn năm - chiếm tới 90% đảo rác. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc từng tiến hành khảo sát đảo rác Thái Bình Dương vào năm 2006. Kết quả cho thấy cứ mỗi km2 trên mặt nước có trung bình 28.750 mảnh nhựa. Do không bị phân hủy trên đất liền, rác ở dạng nhựa bị nước cuốn ra suối, sông rồi đổ ra biển. Khoảng 70% rác nhựa chìm xuống đáy đại dương. Những mảnh nhựa không chìm bị gió và các dòng hải lưu đẩy tới nhiều vị trí, trong đó đảo rác ở phía bắc Thái Bình Dương có diện tích lớn nhất.
Giới khoa học dự đoán đảo rác Thái Bình Dương hình thành từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhưng mãi tới năm 1997 nó mới được phát hiện. Người nhìn thấy nó đầu tiên là Charles Moore, một vận động viên đua thuyền người Mỹ. Ông nhìn thấy đảo rác khi trở về nhà từ một cuộc thi.
Hình minh họa các hướng đi của rác nhựa (màu vàng) sau khi bị cuốn trôi khỏi đất liền và ra đại dương. Trong quá trình trôi dạt gần bờ biển chúng gặp các dòng hải lưu và bị cuốn đi và tập trung tại các xoáy nước. Ảnh: typepad.com. |
Chưa ai đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của hàng trăm triệu tấn nhựa phế thải trên Thái Bình Dương, bởi nhựa mới chỉ được sử dụng rộng rãi trong khoảng 50 năm. Nhưng nhiều nghiên cứu của Liên Hợp Quốc chứng minh rằng hơn một triệu chim và khoảng 100.000 động vật biển có vú chết vì nhựa. Nguyên nhân gây tử vong khá đa dạng: ngộ độc, vướng vào rác hoặc nghẹt thở vì nuốt đồ nhựa.
Tiến sĩ Simon Boxall, một chuyên gia về hải dương của Đại học Southampton tại Anh, tỏ ra bi quan về khả năng khắc phục hậu quả của đảo rác khổng lồ.
"Chúng ta chẳng thể làm gì vì nó quá lớn. Đảo rác này giống như chất thải hạt nhân vậy. Dù những sự cố tràn dầu trên biển có thể gây nên hậu quả thảm khốc tức thời, song theo thời gian dầu sẽ dần phân hủy. Nhựa không dễ phân hủy như thế. Có lẽ giải pháp duy nhất con người có thể làm là thay đổi cách vứt rác của chúng ta", Telegraph dẫn lời Boxall.
Minh Long-VnExpress
- Phần mềm Tiết kiệm năng lượng
- Phần mềm Năng lượng mới
- Phần mềm Tiết kiệm điện
- Phần mềm Nếp sống văn minh
- Phần mềm Dân số
- Phần mềm Bảo vệ động vật quý hiếm
- Phần mềm An toàn thực phẩm
- Phần mềm Ô nhiễm không khí
- Phần mềm Rác thải
- Phần mềm Ô nhiễm đất
- Phần mềm Nước sạch
- Phần mềm Tiếng ồn
- Phần mềm Cây xanh
- Phần mềm An toàn sức khỏe sinh sản
0 comments:
Post a Comment