Các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) vừa tạo ra 10 triệu vụ nổ trong máy gia tốc hạt lớn trong một tuần.
|
Các chuyên gia làm việc trong máy gia tốc hạt lớn. Ảnh: hackedgadgets.com. |
Reuters dẫn lời James Gillies, người phát ngôn của CERN, cho hay máy gia tốc hạt lớn Large Hadron Collider (LHC) đang hoạt động tốt. Đây là cỗ máy được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các hạt cơ bản với động năng cực lớn trong vài phần trăm của giây.
“Mọi thứ đang diễn ra thuận lợi. Chúng tôi đang thu thập một lượng lớn dữ liệu để các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới phân tích”, Gillies nói.
Các nhà khoa học theo dõi LHC cho biết, cỗ máy đang tạo ra 100 va chạm trong mỗi giây – tăng gấp đôi so với tuần trước. Những luồng hạt được đưa vào máy rồi va chạm với nhau dưới hiệu điện thế 7 TeV (tức 7 nghìn tỷ V) vào ngày 30/3. Các chuyên gia khẳng định đây là thành tựu lớn trong quá trình nghiên cứu sự hình thành của vũ trụ.
Theo Reuters, những va chạm trong LHC giống như những Vụ nổ lớn – sự kiện khai sinh ra vũ trụ cách đây 13,7 tỷ năm - nhưng có quy mô nhỏ. Bằng cách nghiên cứu hành vi của các hạt cơ bản sau khi va chạm với nhau, các nhà vật lý hy vọng họ sẽ tìm ra những bí mật của vũ trụ - như sự hình thành vật chất tối, tại sao vật chất có khối lượng, số lượng các chiều trong vũ trụ. Các vụ nổ trong LHC cũng cung cấp thêm dữ liệu để các chuyên gia tìm hiểu xem những ý tưởng vốn chỉ xuất hiện trong những bộ phim giả tưởng – như sự tồn tại của một vũ trụ nữa – có cơ sở khoa học hay không.
Máy gia tốc hạt lớn - do CERN - chế tạo, nằm trong một đường hầm dài 27 km bên dưới mặt đất tại biên giới Pháp-Thụy Sĩ. Dự án được cung cấp kinh phí và chế tạo với sự tham gia cộng tác của hơn 10.000 nhà vật lý từ hơn 100 quốc gia cùng hàng trăm trường đại học, phòng thí nghiệm khắp thế giới. Những tia hạt đầu tiên được dẫn vào trong máy ngày 10/9/2008 nhưng các nhà khoa học phải chờ khoảng 6-8 tuần sau mới ghi nhận được các đợt va chạm với năng lượng cực lớn đầu tiên.
Minh Long-VnExpress
Bài liên quan
Bài liên quan
0 comments:
Post a Comment