Hãy cứu lấy thế giới bằng những hành động nhỏ nhất của chúng ta! Vì tương lai của chính chúng ta! ----------------------------------
Hãy tắt điện từ 20h30 - 21g00 ngày 27/3, hành động Xanh của bạn hưởng ứng Giờ Trái đất!
Soạn BUY RV "Nội dung tin nhắn kết bạn, rao vặt" gửi 8785 (15000đ - trong ngày)
Loading...

Sunday, April 4, 2010

115 bé trai ở đồng bằng sông Hồng mới có 100 bé gái


Ảnh: Hoàng Hà.

Năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam tương đối cao, 111 bé trai trên 100 bé gái. Tỷ số này đặc biệt cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng, khi 200 em bé ra đời thì "dư" ra 15 bé trai.

Đây là thống kê mới nhất của cuộc tổng điều tra dân số vào tháng 4 vừa rồi công bố ngày 31/12.

Hưng Yên là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất, 131 bé trai trên 100 bé gái.

Nhiều chuyên gia nhận định chênh lệch này ở nước ta đang tăng một cách bất thường, đặc biệt từ năm 2006. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay tương đương với Trung Quốc cách đây khoảng 20 năm và năm 2005 nước này thiếu khoảng 30 triệu phụ nữ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng sớm hơn dự kiến khoảng 10 năm. Nghĩa là, trước đây, cứ 1 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Còn hiện nay cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc.

Thông thường, các nước trên thế giới phải mất nhiều thập kỷ mới chuyển từ giai đoạn cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số trong khi Việt Nam chỉ mất có 3 năm (từ 2005 sang 2008).

Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Việt Nam. Vì các chuyên gia đã tính toán nếu như chăm sóc một đứa trẻ hết một đồng thì chăm sóc người cao tuổi hết 8 đồng. Qua kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra dân số đợt vừa rồi, chúng ta có tới 7.200 cụ từ 100 tuổi trở lên, cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Cũng theo kết quả cuộc điều tra này, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trong năm 2009 là gần 94%. Số lượng và tỷ lệ đi học các cấp phổ thông ngày càng cao, đến nay chỉ còn 4 triệu người chưa đi học, chiếm 5% dân số từ 5 tuổi trở lên, tập trung chủ yếu ở các độ tuổi già.

Nam Phương-VnExpress


20 năm nữa, nhiều đàn ông VN sẽ không tìm được vợ

Số bé trai đang nhiều hơn bé gái. Ảnh: Hoàng Hà.
Số bé trai đang nhiều hơn bé gái. Ảnh: Hoàng Hà.

"Tỷ lệ bé trai bé gái mới sinh vài năm gần đây đã chênh lệch đến mức đáng báo động. Nhiều bé trai thế hệ này khi trưởng thành sẽ không lấy được vợ, kéo theo sự gia tăng nạn cưỡng hiếp, mại dâm, lừa bán phụ nữ..." - Ông Phạm Bá Nhất, Vụ trưởng Vụ Dân số, Bộ Y tế, cho biết.

Vụ Dân số vừa thông báo những con số mới nhất về tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh và cảnh báo, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng thừa nam thiếu nữ trầm trọng như Trung Quốc. VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bá Nhất về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay?

Bình thường, chỉ số giới tính khi sinh ở mức 104-107/100. Do tỷ lệ tử vong ở trẻ trai cao hơn trẻ gái nên đến tuổi trưởng thành, con số nam nữ sẽ trở nên cân bằng.
- Đáng báo động! Năm 1999, chỉ số này ở Việt Nam là 107/100, tức cứ 107 bé trai được sinh ra có 100 bé gái. Đến năm 2006, xu hướng đã tăng rất rõ rệt, lên đến 110/100, ngang với Trung Quốc trước năm 1990. Nhiều tỉnh có chỉ số giới tính khi sinh rất cao như Bắc Ninh 123/100, Hải Dương 121/100. Đăk Lăk 118/100. Nếu đến năm 2009, chỉ số này của cả nước vẫn tăng và vượt quá 110 thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.

- Năm ngoái, Viện Khoa học Dân số, Gia đình & Trẻ em cho rằng các con số cảnh báo chênh lệch giới tính là chưa đáng tin cậy vì dựa vào nghiên cứu quy mô nhỏ. Vậy chỉ số 110/100 ông vừa đưa ra dựa vào thống kê nào?

- Điều tra mẫu quy mô nhỏ ở một số địa phương cho thấy chỉ số giới tính khi sinh là 110/100. Để làm rõ có chênh lệch giới tính thực sự hay không, Tổng cục Thống kê đã tổng kết số trẻ sinh ra tại tất cả các trạm y tế trên toàn quốc trong năm 2006 và chỉ số này cũng là 110/100. Đây là một con số rất khoa học, đáng tin cậy.

- Sự chênh lệch giới tính khi sinh sẽ đem lại những tác hại gì, thưa ông?










- Trước hết là sẽ có những người đàn ông không tìm được vợ do thiếu phụ nữ. Điều này sẽ rõ ràng trong 2 thập kỷ tới khi những trẻ sinh ra trong những năm gần đây đến tuổi kết hôn. Sự thiếu nữ càng nghiêm trọng nếu phong trào lấy chồng ngoại để đổi đời của phụ nữ nông thôn vẫn tiếp diễn như hiện nay. Mặt khác, tình trạng chênh lệch giới tính còn làm tăng sự bất ổn xã hội như ẩu đả, thậm chí giết nhau để tranh giành bạn gái, nạn cưỡng hiếp, mại dâm, buôn bán phụ nữ qua biên giới... cũng tăng.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam?

- Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn rất phổ biến ở Việt Nam, khiến nhiều người muốn có con trai bằng được. Trong khi đó, các điều kiện để lựa chọn giới tính thai nhi hiện rất sẵn: Kỹ thuật siêu âm phổ biến và ngày càng nhận biết giới tính sớm hơn, tạo điều kiện cho một số người phá thai khi đứa bé không phải là trai như mong ước. Tài liệu hướng dẫn sinh con theo ý muốn cũng rất phổ biến. Tuy các nghiên cứu đáng tin cậy cho rằng hiệu quả của chúng không rõ rệt, nhưng chúng cũng làm tăng ít nhiều khả năng chọn giới tính thai nhi.

- Vậy ngành dân số sẽ có những giải pháp nào để khắc phục?

- Giảm tỷ lệ giới tính khi sinh là một khó khăn rất lớn cho công tác dân số. Đã có lệnh cấm chẩn đoán giới tính thai nhi và lưu hành tài liệu sinh con theo ý muốn nhưng thực tế, bác sĩ có thể thông báo giới tính cho thai phụ bằng nhiều cách mà không lưu lại chứng cứ gì để phạt, tài liệu thì có thể tìm dễ dàng từ Internet, các hiệu sách cũ...

Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác trong lĩnh vực này để cải tiến chính sách, nhưng từ khi một chính sách được ban hành đến lúc phát huy hiệu quả phải mất ít nhất 10 năm. Còn một biện pháp nữa là tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Khi dân thực sự hiểu rằng con gái không thua kém gì nam giới về khả năng thành đạt và báo hiếu cha mẹ, tình trạng cố sinh con trai bằng được sẽ chấm dứt.

Trong tương lai gần, Việt Nam có nguy cơ lâm vào tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng giống Trung Quốc hiện nay. Cách đây 20 năm, Trung Quốc cũng có chỉ số giới tính khi sinh là 110/100, và hiện nay đã trên 120/100. Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2010, số nam giới ở độ tuổi lập gia đình (20-34 tuổi) sẽ nhiều hơn nữ tới hơn 10 triệu người.

Tình trạng thừa nam thiếu nữ nghiêm trọng nhất ở các tỉnh phía Nam, điển hình là Hải Nam và Quảng Đông, với chỉ số giới tính khi sinh đã lên tới 130-135/100 từ cách đây 7 năm. Ước tính đến năm 2010, Quảng Đông sẽ thiếu khoảng 20% cô dâu và đến năm 2050, tỉnh này sẽ phải “nhập khẩu” 50% cô dâu từ bên ngoài.

Hải Hà

Chênh lệch nam nữ khi sinh ở VN tăng nhanh bất thường

Ở nhiều trường hiện nay, số bé trai nhiều hơn hẳn số bé gái. Ảnh: Hoàng Hà.

Nếu năm 2000 ở nước ta, cứ 106 bé trai ra đời thì tương ứng có 100 bé gái, nhưng năm 2008, con số bé trai đã là 112. Nếu tình trạng này tiếp diễn, số nam giới sinh ra sau năm 2005 có nguy cơ ế vợ khá nhiều.

Đây là những phân tích được đề cập trong báo cáo "Những thay đổi gần đây về tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam" do Quỹ dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) thực hiện.

Theo báo cáo này, Việt Nam đã và đang trải qua thời kỳ có tỉ số giới tính khi sinh tăng nhanh bất thường trong những năm gần đây. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là sự tiếp cận công nghệ xác định giới tính và lựa chọn giới tính đang tăng lên, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng thực hiện mong muốn có một hoặc nhiều con trai.

Từ kinh nghiệm về mức độ lan rộng nhanh chóng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Trung Quốc và Ấn Độ, trưởng đại diện UNFPA, ông Bruce Campbell cho rằng, ở Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh, có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học.

Cụ thể, nếu sự mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng như vậy sau năm 2010, thế hệ nam thanh niên sinh ra sau năm 2005 sẽ bị tác động nặng nề. Vì khi họ bước vào tuổi lập gia đình vào những năm 2030, số nam giới sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi.

Đến năm 2035, mức dư thừa nam giới trưởng thành sẽ chiếm 10% so với tổng số nữ giới và thậm chí còn cao hơn. Sự khan hiếm phụ nữ sẽ gây thêm áp lực cho họ phải kết hôn sớm hơn, có thể dẫn đến tăng nhu cầu mại dâm cũng như làm lan rộng mạng lưới buôn bán phụ nữ để đáp ứng sự mất cân bằng này.

Theo ông Campbell, để hạn chế điều này, các quyết định liên quan đến chính sách của Nhà nước cần tính đến hậu quả của sự mất cân bằng đáng kể giữa nam và nữ, đặc biệt cần tăng cường hơn nữa hiệu lực các quy định liên quan đến dịch vụ lựa chọn giới tính tại Việt Nam.

Báo cáo được thực hiện dựa trên việc phân tích các tài liệu từ trước đến nay về tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam, mà quan trọng nhất là số liệu thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999, kết quả điều tra những biến động về dân số năm 2006, điều tra số sinh tại các cơ sở y tế năm 2007 và điều tra biến động dân số hàng năm... Nó sẽ cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra ở Việt Nam.

Minh Thùy

Lớp mẫu giáo thời chênh lệch giới tính

Ảnh: Hoàng Hà.

Sáng nay đưa con gái đi nhận lớp, không chỉ riêng mình mà rất nhiều cha mẹ ngỡ ngàng: Sao con gái lại hiếm thế nhỉ? Cả lớp 34 cháu mà chỉ có 12 nữ, may có thêm một bé xin vào sau nên tăng thành 13.

Mình lướt qua danh sách các lớp bên cạnh, tình trạng cũng chẳng khá hơn gì. Tổng sĩ số của 5 lớp 1 trong trường năm học này khoảng hơn 170 cháu thì nữ chỉ chiếm 1/3.

Chẳng hiểu do năm sinh bọn nhóc này vào đúng chữ Nhâm (Nhâm Ngọ) hay sao mà các ông bố bà mẹ lại cho ra đời toàn nam giới. Đến cô giáo chủ nhiệm của Ky cũng phải ngỡ ngàng: "Lớp mình ít bạn nữ thế này, các con phải nhường nhịn các bạn nhé, chúng mình phải cố gắng học cho xứng đáng là nam nhi nhé! Còn các bạn nữ, dù ít nhưng cũng không thua các bạn nam chứ nhỉ?". Ôi nghe cô nịnh các trò sao mà thấy muốn quay về thời đầu tiên cắp sách đến trường thế.

Một phụ huynh cùng lớp với Ky tỏ ra lo lắng: "Lớp đông con trai thế này thì cô sẽ mệt lắm đây!". Có đến trường chứng kiến cảnh này mình mới thấy an ủi: Thôi các nhà cứ phấn đấu đẻ nhiều con trai, sau này mẹ Ky sẽ tha hồ tuyển con rể. Kiểu gì cũng sẽ có vài thằng đánh nhau để tán được con gái mình cho mà xem.

Mang câu chuyện sáng nay ở trường Ky đến động viên mấy mẹ béo cùng cơ quan, mẹ nào mẹ nấy cười hỉ hả: "Ồ hóa ra mình đẻ con gái cũng có giá đấy chứ nhỉ? Chắc chắn đến lứa chúng nó lập gia đình, nam nhiều hơn nữ không khéo phải sang Đài Loan, Hàn Quốc mà tuyển vợ chứ chả chơi".

Cứ đà này khi bọn chúng đến tuổi trưởng thành, yêu cầu tuyển chọn của các cơ quan sẽ phải là "ưu tiên nữ giới" chứ không phải là ưu tiên nam giới như hiện nay.

Xin chúc mừng các mẹ đã sinh ra được những cô nhóc đáng yêu. Phái ta nhất định sẽ mạnh lên trong tương lai!

Mẹ và Ky 's blog

Dân số Việt nam già trước khi giàu

Ảnh: Hoàng Hà.

Theo dự kiến đến năm 2015 nước ta mới bước vào giai đoạn dân số già, nhưng với tỷ lệ người trên 65 tuổi năm 2008 là 7,5% thì dân số nước ta đã già hóa.

Thông tin được ông Dương Quốc Trọng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình cho biết trong hội thảo sáng 20/8 về định hướng công tác dân số Việt Nam giai đoạn 2010-2020, diễn ra tại Hà Nội.

Một nước được gọi là dân số già khi số người trên 60 tuổi chiếm 10%; và trên 65 tuổi chiếm 7,5%. Năm 2008 tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta là 9,5% - xấp xỉ già hóa. Nhưng nếu dựa theo tỷ lệ người trên 65 tuổi thì dân số nước ta đã thuộc vào giai đoạn già hóa.

"Như vậy quá trình già hóa dân số của chúng ta đến sớm hơn dự kiến. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới dân số già khi chưa giàu, chưa tích lũy được gì thì đã già", ông Trọng cho biết.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về vấn đề mất cân bằng giới khi sinh tại nước ta đã ở mức rất cao, nhưng vẫn tiếp tục tăng nhanh. Từ năm 1979 đến 1999, cứ 10 năm mới tăng 1 điểm % (ví dụ 110 nam trên 100 nữ thành 111 nam trên 100 nữ), nhưng trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2008, mỗi năm đã tăng 1 điểm %, đạt mức 112 vào năm 2008.

Mức gia tăng này của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với một số nước có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao như Ấn Độ, Trung Quốc. Năm 2007, có 33 trên 64 tỉnh, thành trong cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 110, đặc biệt một số tỉnh rất cao như Hải Dương là 135.

"Chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để khống chế sự gia tăng này. Hiện nay vẫn chủ yếu là tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nhà xuất bản, trang web, cơ sở siêu âm nhưng chỉ mang tính chất giáo dục, để có bằng chứng rõ ràng để xử phạt là rất khó", ông Đinh Công Thoan, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính cho biết.

Tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài có xu hướng gia tăng, càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giới tính. Biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng này là sớm sửa đổi quy định về nạo phá thai theo nguyện vọng chuyển sang nạo phá thai có điều kiện. Ngoài ra công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, thanh tra vẫn được tăng cường.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 14-49 tuổi tăng nhanh. Trong 10 năm tới, nhóm phụ nữ 20-34 tuổi (giai đoạn mắn đẻ nhất trong cuộc đời) sẽ đạt mức cực đại là 12,3 triệu người. Lý do là vì số phụ nữ sinh ra trong những năm 1975-1995 (thế hệ 8x, 9x) có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học Việt Nam. Các nhà nhân khẩu học gọi hiện tượng này là "bùng nổ dân số lần hai".

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh khá thấp, xếp thứ 116 so với 174 nước trên thế giới. Bình quân mỗi người dân có tới 12 năm là ốm đau bệnh tật so với 72,2 tuổi sống.

Trước đây, mục tiêu quan trọng nhất của ngành dân số là giảm mức sinh, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ tập trung để nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng giống nòi. Trong đó tập trung vào tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Nam Phương

Bài liên quan
Bài liên quan

0 comments:

Post a Comment

 

Blog Môi trường Xanh 2014 Copyright © 2012 Blog Moi Truong is Designed by Blog môi trường Sponsored by Blog Moi Truong