Giá cua đồng xứ Nghệ đang lên cao kỷ lục khiến cho lượng người bắt cua tăng đột biến. Sau vụ lúa Đông Xuân, có nhiều nơi cả làng cả xã đổ ra đồng.
Trời nắng nóng 40 độ mặt nước như bốc khói nhưng trên cánh đồng các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An) hàng trăm người vẫn miệt mài lùng sục để bắt cua đồng.
Đông nhất là các em học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Sau khi được nghỉ hè, hầu hết các em đều tham gia vào đội quân bắt cua chuyên nghiệp, ngày đêm cày xới, lùng sục trên các cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ.
Thời điểm nghỉ hè, rất nhiều em học sinh ra ruộng bắt cua. Ảnh: Dũng Nguyễn. |
Nguyễn Thị Hà (11 tuổi) vừa móc cua vừa cười nói: “Hơn một tháng nay em cùng với gia đình ra đồng để bắt cua, bắt cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày em cũng bắt được khoảng 3 - 4 ký. Bắt xong người thu mua họ ra tận đồng lấy luôn”.
Anh Nguyễn Văn Hiền một nông dân ở xã Văn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết trước đây cua nhiều vô kể, nhất là vào mùa hè, chúng bò lổm ngổm cả đường, vào cả nhà. Người dân đi ra đồng không cần xuống ruộng, đứng trên bờ cũng nhặt được đầy bao đem về nấu canh, làm mắm hay nuôi lợn, vịt.
"Nhưng bây giờ nhà mô ăn cua là sang lắm. Nhờ cua mà tui mua được con xe máy 7 triệu, còn dư ít trang trải nợ nần. Lúc đầu chỉ là 5 - 6 ngàn đồng/kg sau đó cứ tăng vọt theo cấp số nhân và bây giờ là 50.000 đồng/ kg", anh kể.
Cũng theo anh Hiền, “thu nhập từ những con cua đồng nhiều gấp mấy lần vụ lúa mùa đã khiến người dân ở đây đổ xô ra đồng tìm cua. Những người buôn bán vặt cũng bỏ chợ. Cả làng, cả xã đều ra đồng hết!”.
Không chỉ ở Yên Thành mà các huyện như Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, đâu đâu cũng thấy những đoàn người nườm nượp kéo nhau đi bắt cua đồng. Kéo theo đó là sự tăng lên của những thợ lái cua và các chủ đại lý thu mua.
Hầu như làng nào cũng vậy, từ sáng sớm đã có một vài lái đến. Trước đây họ ngồi một chỗ nơi đầu làng để những người bắt cua đến bán. Thời gian gần đây, cua đồng lên giá kéo theo lượng lái cua tăng vọt, nên họ phải lùng sục ra cả ngoài đồng để thu mua, có bao nhiêu mua bấy nhiêu.
Mỗi ngày có hàng chục tấn cua được đóng vào bì, chở lên Lạng Sơn. Ảnh: Dũng Nguyễn. |
Anh Phan Văn Nam, một lái cua có thâm niên ở huyện Diễn Châu cho biết: Để thu mua được nhiều, những tay lái này phải cài cắm “cộng tác viên” ở mỗi làng. Những “cộng tác viên” này gom cua đủ số lượng rồi điện thoại cho lái cua đến lấy.
Nếu như trước đây, các lái cua gom hàng đưa đến các thành phố lớn, thì nay cua đồng được đóng vào bì, chở thẳng lên Lạng Sơn, bán với giá cao. Nhiều lái buôn khẳng định, số cua này sẽ được xuất ngoại, bán sang Trung Quốc.
Chị Phan Thị Hà ở xã Nghi Yên - Nghi Lộc chủ đại lý thu mua cua, phấn khởi, nói: "Chưa bao giờ chúng tôi thắng lớn như năm nay. Cua gom được bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cua chết họ cũng mua. Từ tháng tư đến nay gia đình tôi mua và bán hơn hai chục tấn. Lãi hơn hai chục triệu đồng, gấp mấy lần làm lúa, lại khỏe người”.
Một lão nông ở huyện Yên Thành nhẩm tính: Trung bình mỗi làng một ngày xuất 200 kg cua đồng thì một huyện như vậy mỗi ngày bắt được phải hàng chục tấn. Tính rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh đây quả là một số lượng cua khổng lồ.
Mặc dù vậy, những người chuyên đi bắt cua khẳng định, dù có bị bắt nhiều, loài cua vẫn có khả năng sinh sản rất mạnh, sau mỗi mùa lũ lụt, mùa lúa, chúng lại tràn ngập khắp các cánh đồng.
“Mùa này bị bắt, mùa sau nó lại sinh sôi không thể tuyệt diệt được. Có chăng cua giảm là do ô nhiễm môi trường, do các loại thuốc bảo vệ thực vật và các chất thải nhà máy chứ không phải do con người bắt”, anh Nguyễn Văn Hùng, một thợ bắt cua có kinh nghiệm khẳng định.
Cơn sốt cua đồng mang lại khoản thu nhập khá cho nhiều nhà nông, nhưng cũng khiến nhiều người phải nhập viện vì say nắng. “Cách đây mấy ngày, một em bé bỗng nhiên ngất xỉu, lăn ra ruộng vì say nắng, trên tay vẫn cầm một túi cua. Mọi người phải tất tả đưa em bé này đi viện. Nghề bắt cua chỉ làm theo mùa vụ, có tiền, có thu nhập nhưng cũng thật cơ cực, gian nan”, anh Hùng thở dài ngao ngán.
Dũng Nguyễn – Trường Long-VnExpress
Bài liên quan
- Phần mềm Nếp sống văn minh
- Phần mềm Dân số
- Phần mềm Bảo vệ động vật quý hiếm
- Phần mềm An toàn thực phẩm
- Phần mềm Ô nhiễm đất
- Phần mềm Nước sạch
- Phần mềm Tiết kiệm năng lượng
- Phần mềm Năng lượng mới
- Phần mềm Tiết kiệm điện
- Phần mềm Nếp sống văn minh
- Phần mềm Dân số
- Phần mềm Bảo vệ động vật quý hiếm
- Phần mềm An toàn thực phẩm
- Phần mềm Ô nhiễm không khí
- Phần mềm Rác thải
- Phần mềm Ô nhiễm đất
- Phần mềm Nước sạch
- Phần mềm Tiếng ồn
- Phần mềm Cây xanh
- Phần mềm An toàn sức khỏe sinh sản
0 comments:
Post a Comment