Hãy cứu lấy thế giới bằng những hành động nhỏ nhất của chúng ta! Vì tương lai của chính chúng ta! ----------------------------------
Hãy tắt điện từ 20h30 - 21g00 ngày 27/3, hành động Xanh của bạn hưởng ứng Giờ Trái đất!
Soạn BUY RV "Nội dung tin nhắn kết bạn, rao vặt" gửi 8785 (15000đ - trong ngày)
Loading...

Wednesday, June 30, 2010

Những em bé được tái sinh


Nhìn con gái 3 tuổi vui đùa chạy nhảy, anh chị Hoài (Hải Phòng) lại bùi ngùi nhớ về những ngày dài thấp thỏm khi biết con bệnh nặng lúc còn trong bụng mẹ. Cũng bởi thế, họ đã chọn ngày mổ cho con là sinh nhật chứ không phải ngày bé chào đời.

Mang bầu khoảng 20 tuần, chị Hoài được bác sĩ siêu âm cho biết thai bị dị tật thông liên thất. Vợ chồng chị hoang mang vô cùng khi biết những trẻ mắc bệnh về tim này khi đẻ ra có thể tử vong ngay, hoặc nếu có sống được, thì sau đó quá trình nuôi nấng cũng rất vất vả. Tuy nhiên, chị cũng được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tư vấn để theo dõi thai nhi, tìm cách chữa bệnh cho cháu sớm nhất có thể.

Đến ngày chị sinh, do biết trước bệnh của em bé, các bác sĩ đã chuẩn bị để bé được chào đời trong điều kiện vô trùng, sau đó tiến hành hồi sức và nuôi dưỡng em đặc biệt rồi chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để theo dõi và chuẩn bị cho ca mổ vá lỗ thông liên thất.

Suốt một tháng chờ đợi ca mổ của con, vợ chồng chị Hoài thấy thời gian dài vô tận. Lúc bác sĩ thông báo con được phẫu thuật thành công và từ nay có thể sống khỏe mạnh như bất cứ đứa trẻ bình thường nào khác, anh chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Sau đó, cả gia đình chị xin đổi sinh nhật của em bé thành ngày mổ chứ không phải ngày em chào đời vì kể từ đó, sự sống của con mới thực sự bắt đầu.

Ảnh: MT.
Bé gái ở Hòa Bình từng được phát hiện thai trong thai và đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: MT.

Tiến sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, từ năm 2007, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã kết hợp với Bệnh viện Việt Đức để chữa bệnh cho những trẻ được theo dõi dị tật bẩm sinh từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Theo bác sĩ, đây là một tiến bộ lớn về kỹ thuật y học, giúp cứu sống và sửa chữa dị tật cho rất nhiều trẻ sơ sinh. Để làm điều này, người mẹ cần được khám sớm và nếu nghi ngờ thai có dị tật, họ sẽ phải thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như siêu âm, xét nghiệm, chọc ối... để xác định chính xác bệnh của con. Sau đó, nếu bệnh có thể chữa được, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi quá trình thai nghén và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để em bé chào đời an toàn. Thường ngay sau khi sinh, các bé này sẽ được chuyển ngay sang Bệnh viện Việt Đức để theo dõi và điều trị khi phù hợp.

Bác sĩ Cường cho biết, nhờ chẩn đoán chính xác và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từng bước như vậy mà nhiều trẻ đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn, trong khi, trước đó, rất nhiều trẻ dị tật nặng không được theo dõi thường khó sống sau khi sinh, hoặc bệnh sẽ bị chữa muộn hoặc gây những biến chứng khó khắc phục.

Bác sĩ còn nhớ mãi trường hợp của một em bé được chữa bệnh khi người mẹ hầu như đã tuyệt vọng về sự sống của con mình.

Khi mang thai đứa con đầu lòng đến tháng thứ 5, chị Diệp (Thanh Sơn, Phú Thọ) như chết lặng khi bác sĩ siêu âm ở địa phương thông báo em bé bị thoát vị cơ hoành, phải hủy thai, nếu cố để, khi sinh ra bé cũng không thể sống được. Không tin đó là sự thật, chị đã đi khám thêm vài chỗ khác và cũng nhận được kết luận tương tự.

Niềm khao khát làm mẹ khiến chị không nỡ dứt bỏ thai nhi trong bụng. Khi thai gần 8 tháng, chị mang cả đứa con và nỗi lo lắng khôn nguôi trong lòng ra Hà Nội khám. Lần này, hy vọng lại đến khi bác sĩ cho biết: Thai nhi chỉ bị nhão cơ hoành, vẫn có thể để đẻ và chữa khỏi sau đó nếu theo dõi tốt.

Sau ngày đó, cả gia đình chị hồi hộp chờ đợi. Ngày em bé chào đời, ai nấy vui mừng nhưng vẫn không bớt lo lắng. Cháu bé sinh mổ và ngay sau đó được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để chuẩn bị cho ca phẫu thuật gần một tháng sau. Cả gia đình chị chỉ thở phào nhẹ nhõm được khi nghe bác sĩ thông báo: ca mổ thành công, cháu đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Gia đình chị Hải Phong (Tây Hồ, Hà Nội) cũng không bao giờ quên được ơn tái sinh cho cô con gái của mình. Theo lời chị, ngay từ khi mang thai ở tuần thứ 17, bác sĩ đã phát hiện bé bị thoát vị rốn. Sau đó, nhờ được theo dõi sát sao, em bé đã được mổ chữa trị ngay sau khi sinh. Hiện tại cô bé đã gần 4 tuổi và rất khỏe mạnh.

Bác sĩ Cường cho biết, trước đây, chẩn đoán trước sinh thường chỉ giúp phát hiện dị tật thai nhi để có thể quyết định có nên đình chỉ thai nghén kịp thời. Nhưng ông tâm sự: "Chuyện hủy thai thì quá dễ, làm sao để giữ lại bé, và sửa chữa làm sao để bé lớn lên, phát triển hoàn thiện mới là điều khó khăn và phải cố gắng làm. Và cái khó của bác sĩ là làm sao phân biệt được dị tật nào có thể chữa được, cái nào thì không. Điều này đòi hỏi không chỉ có kỹ thuật, trình độ chuyên môn mà cả sự nhạy cảm nghề nghiệp và đôi khi, cả một chút phiêu lưu nữa", ông Cường chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Thủy, khoa phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng, mỗi ca phẫu thuật chữa bệnh cho trẻ sơ sinh vô cùng khó khăn và khi thành công, nó không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình bệnh nhân mà đó còn là niềm vui của các bác sĩ.

Một ca bệnh đặc biệt mà các bác sĩ vẫn nhớ mãi là trường hợp của bé gái có thai trong thai ở Hòa Bình.

Khi mới thành hình trong bụng mẹ thì em bé đã được phát hiện có một khối u nang buồng trứng trong bụng. Sau đó, mẹ bé được tư vấn theo dõi thai nghén và khi sinh xong, bé được chuyển sang Việt Đức khám. Các bác sĩ thấy hơi lạ vì khối u nằm cao (giữa bụng), và lúc mổ ra thì nó có hình dạng như một cái thai hoàn chỉnh với đầy đủ chân, tay, đầu, mặt và có dịch như nước ối. Kết quả xét nghiệm cho thấy đây là một trường hợp thai trong thai rất hiếm gặp. Ca phẫu thuật này khá thành công và hiện tại bệnh nhi đã được gần 7 tháng tuổi, rất xinh xắn, nhanh nhẹn và khối u đã sạch hoàn toàn.

Bác sĩ Mai Thủy cho biết, dị tật được phát hiện sớm, chính xác và theo dõi sát sẽ giúp cho quá trình chữa trị sau đó thuận lợi. Thời điểm phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào loại bệnh, thể trạng của trẻ. Có những bệnh cần được can thiệp càng sớm càng tốt, nhưng cũng có khi, việc quan trọng là phải nuôi dưỡng cho em bé có sức khỏe tốt trước, sau đó mới có thể tiến hành chữa trị.

Trường hợp con của vợ chồng anh Quang (Hải Dương) là một điển hình.

Khi có bầu đến tháng thứ 7, vợ anh được bác sĩ phát hiện thai bị teo thực quản. Được các bác sĩ tư vấn, sau khi sinh con xong, anh chị không quá sốc khi thấy cháu không thể ăn uống được bất cứ thức ăn gì bằng đường miệng và thường xuyên nôn trớ, có nhiều đờm. Em bé đã được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức để theo dõi bệnh. Tại đây, các bác sĩ đã đặt một ống xông thẳng vào dạ dày để đưa chất dinh dưỡng nuôi cháu. Sau đó, vợ chồng anh Quang được hướng dẫn cách cho con ăn, và lịch khám để quyết định thời điểm phẫu thuật tạo hình thực quản cho cháu.

Theo các bác sĩ, hiện nay, những bất thường thai sản có thể được phát hiện trước tuần 12 của tuổi thai. Vì vậy, để được chẩn đoán sớm, chính xác dị tật thai, từ đó có thêm cơ hội để chữa bệnh cho trẻ hay đình chỉ thai nghén sớm khi bệnh không thể "sửa chữa" được, các chị em có thai cần đi khám định kỳ thường xuyên, tại những cơ sở uy tín.

Vương Linh-VnExpress


Bài liên quan

Bài liên quan

0 comments:

Post a Comment

 

Blog Môi trường Xanh 2014 Copyright © 2012 Blog Moi Truong is Designed by Blog môi trường Sponsored by Blog Moi Truong