Nhện tạo bong bóng để lặn xuống nước - Ảnh: Nationalgeographic.com |
Nhóm chuyên gia của Đại học Florida (Mỹ) vừa công bố phát minh vô cùng độc đáo : vật liệu chống thấm nước không chứa hóa chất độc hại. Chẳng giống những sản phẩm tương tự như xi giày hoặc chất dùng cho kính chắn gió xe hơi, vật liệu mới không phải dựa vào các hóa chất chứa thành phần chống thấm nước để giữ bề mặt khô ráo.
Thay vào đó, khả năng kháng nước đến từ việc bắt chước hình dạng và kiểu mẫu trên lông nhện. Nói cách khác, chính tính chất vật lý chứ không phải hóa học đã mang lại đặc điểm vượt trội cho bề mặt này. Hãng tin Reuters dẫn lời giáo sư Wolfgang Sigmund cho hay loài nhện có các lông ngắn và dài khác xa nhau. Ông và các đồng nghiệp đã bắt chước đặc tính trên để tạo nên vật liệu có bề mặt mới độc nhất vô nhị này.
Từ lâu, loài nhện được biết đến với khả năng sử dụng các lông chống thấm nước để giữ thân thể được khô ráo hoặc tránh bị chết đuối. Loài nhện nước còn dùng lông để giữ bong bóng nước và mang theo chiếc túi hơi này xuống nước để thở. Cách đây 5 năm, khi bắt tay vào nghiên cứu các sợi siêu vi, nhóm của giáo sư Sigmund vô cùng ấn tượng trước đặc điểm trên của loài nhện. Đầu tiên, ông dự định tạo ra những sợi có kích thước và độ dài bằng nhau.
Tuy nhiên, sau đó khi nhận thấy lông trên cơ thể nhện có độ dài ngắn khác nhau, ông quyết định bắt chước thiên nhiên để chế tạo loại bề mặt có chứa những sợi nhựa với độ dài ngắn khác nhau, nhưng trung bình vào khoảng 600 micron, hay 1 phần triệu của mét.
Công nghệ trên có thể được ứng dụng để giữ những vật liệu hút nước như bọt biển khỏi bị thấm nước. Vì không có sự can thiệp của hóa chất nên vật liệu mới được cho là an toàn cho môi trường hơn những phương pháp chống thấm khác. Bên cạnh đó, nó còn có công dụng tự làm sạch, vì nước đóng vai trò rất tốt với khả năng thu thập và mang đi bụi bẩn khi bị trôi tuột đi khỏi bề mặt vật liệu. Chính điều này đã biến nó trở thành vật liệu lý tưởng cho ngành công nghiệp bao bì thực phẩm, cũng như sản xuất cửa sổ hoặc pin mặt trời vốn đòi hỏi phải luôn sạch sẽ để tập hợp ánh nắng.
Giới thiết kế tàu bè một ngày nào đó cũng có thể phủ thân tàu bằng vật liệu trên để chiếc tàu chạy nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Giáo sư Sigmund cho hay ông còn phát triển được cả vật liệu chống thấm dầu, nhưng mọi thứ chỉ vừa mới khởi đầu. Tuy nhiên, ông đánh giá tiềm năng cho thị trường trên rất lớn vì sản phẩm của ông là vật liệu đầu tiên chỉ dựa vào đặc điểm bề mặt và có thể chống cả nước nóng lẫn nước lạnh.
Thụy Miên
CanNao Bài liên quan
- Phần mềm Tiết kiệm năng lượng
- Phần mềm Năng lượng mới
- Phần mềm Tiết kiệm điện
- Phần mềm Nếp sống văn minh
- Phần mềm Dân số
- Phần mềm Bảo vệ động vật quý hiếm
- Phần mềm An toàn thực phẩm
- Phần mềm Ô nhiễm không khí
- Phần mềm Rác thải
- Phần mềm Ô nhiễm đất
- Phần mềm Nước sạch
- Phần mềm Tiếng ồn
- Phần mềm Cây xanh
- Phần mềm An toàn sức khỏe sinh sản
0 comments:
Post a Comment