Cuộc sống của tôi dường như gắn liền với những dòng
sông ở Hà Nội. Tôi từng rất yêu sông nhưng giờ hình như tình yêu đã thay
đổi.
Năm 9 tuổi, nhà tôi ở một làng ven sông Nhuệ - khi đó
vẫn thuộc TP Hà Đông - tỉnh Hà Tây cũ, trước khi sát nhập vào Hà Nội.
Sau đó, nhà tôi chuyển qua bãi Phúc Tân, tuổi thơ tôi lại gắn với những
kỷ niệm ở bờ ven sông Hồng.
Chẳng biết có phải vì quen ở ven sông, quen không khí
thoáng đãng hay không, tôi rất thích đi chơi những chỗ nào có sông nước.
Đại khái, cứ có dịp bạn bè rủ mà đi đâu qua các con sông như sông Đuống
và một số vùng trên Bắc Giang, Bắc Ninh… là tôi đi liền.
Nhưng những năm gần đây, tôi bắt đầu thay đổi sở
thích. Tôi bắt đầu sợ các dòng sông mà trước nay gắn liền với quá trình
trưởng thành của tôi, từ nhỏ đến lớn. Chúng đều bị ô nhiễm, bẩn theo
nhiều mức khác nhau, nhiều cách khác nhau… có những lúc, tưởng như không
thể nào chịu nổi.
Sông Hồng, nơi nhà tôi vẫn ở đó, ven bờ. Khi tôi mới
chuyển đến, ngày nào đi học về là tôi có thể quẳng sách vở và chạy ra
ngoài chơi, chạy dọc bờ sông, hòa mình vào không khí thoáng đãng, mát.
Cuối giờ chiều, hầu như nhà nào cũng kê ghế ra ngoài cửa ngồi hóng gió,
nói chuyện. Nhiều năm sau cũng thế, nó cũng không biến đổi nhiều. Nước
sông lúc nào cũng ngầu đỏ, cuộn chảy. Ven bờ, các nhà trồng ngô, rau…
ngoài kia là bãi giữa, cũng ngập tràn những ruộng rau, bãi ngô xanh um.
Vào những tháng hè, có chỗ nào nông nông thì chúng
tôi, cả người lớn và trẻ em có thể ra bơi, lội… Thích nhất là những đêm
trăng sáng, trông ra sông Hồng rộng mênh mông, ánh trăng lấp lánh trên
mặt nước, gió lồng lộng… Sống ở ven sông, đúng là không muốn đi đâu ở dù
nhà lầu rộng rãi.
Nhưng bây giờ thì hết rồi. Không phải chỉ đến bây giờ,
mấy năm nay, càng ngày càng tệ hại. Ven bờ, đã không còn những ruộng
rau, luống ngô… chẳng mấy ai trồng nữa. Thay vào đó, người ta đổ rác.
Hầu như nhà nào có rác cũng trút hết cả xuống vệ sông, nhà ven sông cũng
như nhà trong ngõ. Đủ thứ rác thải, chất thải: than tổ ong, rác quét
nhà, dọn cửa, đồ ăn thừa… người ta trút hết cả ra đấy. Cả một dải đất
ven sông, chẳng cứ gì của khu tôi mà cả các khu phố trên, dưới… ngập
ngụa trong rác thải. Có một dạo, tôi đi thuyền dưới sông, trông lên thấy
cay nồng sống mũi. Nỗi buồn tuổi sơ ầm ập đến. Tôi chẳng còn thấy màu
của lá cây đâu nữa, toàn thị màu trắng, vàng bẩn bẩn của rác. Sống ở đây
trở nên rất khổ, nhiều nhà tìm cách lại chuyển đi.
Nhưng không chỉ có ven sông. Nước sông Hồng vẫn chảy.
Vào mùa mưa, các tháng 6-7-8, nước sông vẫn dâng lên, cuồn cuộn đỏ đậm
phù sa. Nhưng chỉ mấy tháng đó thôi và nước cũng không còn đầy như
khoảng 6-7 năm trở về trước. Biến đổi khí hậu cùng với việc các nhà máy
thủy điện trên thượng nguồn giữ nước khiến mức nước không bao giờ còn
được như xưa. Chúng tôi cũng không còn lo, mùa nước lên, nước sông Hồng
lại ngập sân, ngập tầng một. Thậm chí, ngay cả những tháng nước nhiều,
nước cũng không còn sạch sẽ, nó có những mùi gì đó rất khó chịu. Mẹ tôi
bảo, đó là do chất thải, nước thải không qua xử lý ở nhiều nhà máy, nhất
là các nhà máy hóa chất cả ở bên đất Trung Quốc, cả ở các tỉnh phía
trên như Phú Thọ, Lào Cai… xả xuống.
Nhưng đó chỉ là một nửa của thảm họa. Tình trạng tồi
tệ hơn nữa vào mùa khô, những tháng kiệt nước. Sông Hồng chẳng còn hồng
nữa. Có những năm nước gần như cạn kiệt. Có thể lội bộ qua bãi giữa
chơi. Nước thậm chí có những tháng chuyển qua màu xanh nhưng với tôi, đó
là màu xanh… chết. Bởi nước trở nên tù đọng, rất hôi, bẩn. Các nhà thậm
chí có thể thả vịt ở những khoảnh rộng nước đọng lại… Ai mà lỡ bước
chân vào, sẽ mẩn ngứa, khó chịu. Và nhiều tháng tuy có nước về, cũng vẫn
đỏ phù sa nhưng bốc mùi kinh khủng. Trên các báo viết sông Hồng qua TP
Lào Cai bốc mùi hôi mà không biết rằng, chính ở Hà Nội, nếu phóng viên
các báo đến khu chúng tôi, cũng thấy mùi hôi từ sông Hồng bốc vào, nồng
nặc.
 |
Mùi của hóa chất, chất tẩy, rồi cá chết… rất kinh
khủng. Ngay cả chất phù sa mà dòng sông bồi đắp cho bãi Giữa, cho ven
sông, tôi nghĩ, cũng không còn màu mỡ như trước nữa bởi nó mang trong
mình các chất độc, chất thải từ các nhà máy hóa chất ở đầu nguồn, ở các
vùng ven sông miền trung du thải xuống… Dễ thấy, các luống ngô, ruộng
rau… ở trên bãi không còn xanh tốt như trước. Trước đây người ta chẳng
cần bón gì, chúng vẫn lên đều đều, bắp ngô nào cũng to, đều, ngon khác
thường. Rau cũng vậy, cây cải nào cũng mập mạp…
Nhưng nhiều năm nay chẳng thế. Chúng bắt đầu chẳng
khác nơi khác, không còn “thương hiệu” ngô bãi giữa sông Hồng nữa. Đơn
giản vì, đã ít phù sa. Phù sa đã không còn mầu mỡ. Người ta bắt đầu phải
bón bằng phân hóa học, phân chuồng… và thế là càng làm ô nhiễm nước,
nhất là vào mùa cạn.
Các dòng sông khác thì sao? Có thể tôi không biết hết,
nhưng cứ con sông nào tôi từng biết thì y như rằng, hiện nay, nó đều
đang trong tình trạng bị ô nhiễm. Sông Nhuệ - con sông gắn liền với tuổi
thơ của tôi cũng thế. Ngày xưa, khi nhà tôi còn ở đó, nước sông luôn
trong xanh, luôn chảy băng băng, chẳng có vật cản. Con sông hồi đó khá
đẹp và đến bây giờ, nhiều khách sạn ở Hà Đông vẫn lấy tên nó: Khách sạn
Nhuệ Giang, Khách sạn Sông Nhuệ… như một niềm tự hào.
Nhưng bây giờ thì sao, thỉnh thoảng tôi trở về nơi ở
cũ, thăm bà con họ hàng, trên đường đi ven sông thì tôi cũng không còn
nhận ra nó nữa, có lẽ gọi là… con mương, bởi lòng sông đã bị thu hẹp rất
nhiều, nước bẩn và hôi thối. Nhiều đoạn, bèo phủ kín, rác ngập ngụa
trên bèo, có những chỗ bọt bẩn dồn đống, cá chết trắng mặt sông. Những
người hàng xóm cũ của tôi nói, nhiều hôm không ngủ được vì mùi nước sông
bốc vào tận nhà, mùi hóa chất tẩy rửa, mùi cá chết. Sông Đuống, sông
Đáy… và nhiều con sông ở trên mạn Bắc Ninh, Bắc Giang, mỗi nơi lại bị ô
nhiễm theo một kiểu. Nhưng thường, sông nào cũng bị ô nhiễm nhất định có
phần do thói quen xấu những năm gần đây của người dân.
Tôi có thể không biết hết toàn bộ nguyên nhân khiến
tất cả các dòng sông giờ đây đều bị ô nhiễm. Báo chí viết, nguyên nhân
chính do hàng trăm nhà máy, công ty ở Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái… thậm
chí ngay ở Hà Nội vì lợi nhuận, bất chấp lợi ích cộng đồng xả trực tiếp
ra sông. Tôi tin thế, nhưng tôi cũng thấy, chính quyền và nhiều người
dân địa phương nơi các con sông chảy qua cũng thiếu ý thức giữ gìn. Tôi
vẫn thấy thường xuyên, họ trút, vứt chất thải, rác thải… ra sông, ven bờ
tự nhiên như không.
Người dân vứt bỏ chất thải làm ô nhiễm thì hầu như
cũng không ai nhắc nhở, xử lý… có lẽ cho là vì nó quá nhỏ. Việc xử lý
các doanh nghiệp gây ô nhiễm, Nhà nước sẽ lo nhưng với người dân, cứ mỗi
người, mỗi nhà… xả thải như thế này thì chẳng có con sông nào chịu nổi.
Có lẽ, tôi sẽ phải giục bố mẹ tôi bán nhà. Tôi không còn muốn sống ở
nhà ven sông.
Tác phẩm dự thi "Bảo vệ môi trường" của tác giả Nguyên Minh trên vnexpress.
Bài liên quan
3 comments:
Hướng dẫn đề án bảo vệ môi trường, báo cáo giám sát định kỳ tại cao nguyên xanh.
bài viết hay quá
hợp âm Fa trưởng
Tôi cũng từng có một dòng sông gắn liền với tuổi thơ!!! nhưng bây giờ nguồn nước ấy chỉ còn trong kí ức
Post a Comment